Trần Kha Nghị tựa lưng vào thành giường, quần áo chưa thay, hai cúc áo ở ngực không cài, vòm ngực rắn chắc như ẩn hiện. Tóc anh hơi loạn, một vài cọng rủ xuống trán.
Anh lấy tay xoa huyệt thái dương đau nhức của mình. Buổi chiều sau khi đi diễn thuyết ở trường, anh nhận được điện thoại của Phạm Tích Nhân hôm nay đình công, bảo anh tự đi mà tiếp khách. Khi không cậu ta lại nổi điên cái gì chứ? Tuy nhiên từ lúc quen biết số lần Phạm Tích Nhân nổi điên cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay cho nên anh không chấp nhất.
Khi được hỏi lý do, Phạm Tích Nhân bực tức đáp gọn: “Đi bắt người.” rồi thẳng tay cúp máy. Chắc chắn đã có người chạm đến giới hạn của cậu ta rồi.
Bình thường, Phạm Tích Nhân luôn là người khiến người khác phát điên, không ngờ lần này lại có người khiến cậu ta mất kiểm soát như vậy. Dù chưa biết là ai, nhưng anh thầm hy vọng người đó có thể trị được cái tính nết khó chịu này của Phạm Tích Nhân.
Bên đối tác không nghĩ người đến là anh. Khi nhận ra điều này, họ vô cùng phấn khích và liên tục mời anh uống rượu, tỏ ra rằng họ rất coi trọng mối làm ăn này bởi vì chính ông chủ đã đích thân tới gặp họ.
Dù anh đã từ chối nhiều lần, nhưng sau khi bị mời đến lần thứ mười, anh cũng không thể không nể mặt đối tác, buộc phải nhận lời uống một hai ly để giữ thể diện.
Tuy tửu lượng của anh không kém, nhưng thường này anh không thích uống rượu kiểu này nên hầu hết gặp khách là Phạm Tích Nhân đi. Chỉ duy nhất lần này anh tự mình xuất thân ra trận. Đến khi ký hợp đồng thành công về đến nhà trời cũng đã sụp tối.
Vào đến trong nhà, lúc này anh đã quá mệt để thay quần áo, vì thế vừa đặt lưng xuống giường anh đã ngủ ngay lập tức. Khi tỉnh dậy, cơn đau đầu càng trở nên tồi tệ hơn. Nhớ đến thái độ của Vân Vân buổi chiều như đuổi khéo anh đi, anh lại càng không vui. Dạo này cô không muốn gặp anh vậy sao?
Trần Kha Nghị nhìn vào màn hình điện thoại đang nhấp nháy với năm cuộc gọi nhỡ từ mẹ. Anh nhớ lại rằng đã mơ hồ nhận một cuộc gọi bảo anh về nhà gấp, nhưng lúc đó anh không tập trung và chỉ trả lời qua loa. Vì anh không về, mẹ anh đã gọi điện liên tục như thế.
Nhìn đồng hồ thấy đã muộn, anh nhắn tin cho Trân Trân báo rằng sẽ về vào ngày mai. Ngay lập tức, anh nhận được tin nhắn đáp lại rằng mẹ anh rất không vui và cảnh báo anh nên cẩn thận. Khi hỏi có chuyện gì xảy ra, Trân Trân chỉ trả lời, “Về rồi sẽ biết.”
Đã quyết định ngày hôm sau về, thì có chuyện gì cứ đợi tới đó tính. Bây giờ suy nghĩ nhiều cũng không giải quyết được vấn đề. Sau khi nghĩ thông suốt, Trần Kha Nghị để điện thoại xuống bàn, rồi đi vào bếp.
Cơn đau đầu âm ỉ nhắc anh nhớ đến hậu quả của vài ly rượu lúc tối. Nghĩ ngợi một chút, anh mở tủ lạnh, lấy ra một ít giá đỗ cùng hành lá, rồi bắt tay vào nấu một bát canh giải rượu. Nước được đun sôi, anh nhanh tay cho giá đỗ vào, thêm chút muối và gừng cắt lát để át đi vị cồn còn vương lại trong dạ dày. Khi canh vừa chín tới, anh tắt bếp, múc ra bát rồi rắc thêm ít hành lá cắt nhỏ cho dậy mùi.
Hơi nóng phả lên khiến anh thoáng dễ chịu hơn. Anh chậm rãi thổi từng muỗng cho nguội rồi uống hết. Nước canh ấm nóng trôi xuống cổ họng, mang theo chút vị thanh nhẹ của giá đỗ, chút cay nồng của gừng khiến dạ dày dịu lại.
Trong không gian tĩnh lặng của căn bếp, chỉ có tiếng muỗng chạm nhẹ vào thành bát. Trần Kha Nghị bất giác dừng lại một chút, ánh mắt vô định nhìn vào khoảng không trước mặt. Anh tự hỏi, nếu có ai đó ở bên cạnh chăm sóc, pha cho anh một ly trà ấm hay đơn giản chỉ là ngồi cùng anh lúc này có phải sẽ tốt hơn không?
Nhưng để đến được khoảnh khắc đó, e rằng còn là một chặng đường dài anh cần phải vượt qua.
Ăn canh xong, anh vào phòng tắm, để dòng nước ấm xua đi cơn mệt mỏi còn sót lại. Thay ga giường sạch sẽ, anh nhanh chóng nằm xuống, ép mình chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, dù vẫn còn chút uể oải, nhưng anh không đến mức kiệt sức. Sau khi sửa soạn xong, Trần Kha Nghị quyết định lái xe về nhà, mặc cho trong lòng có chút dự cảm chẳng lành. Dù sao, chiều nay anh còn có tiết dạy, chi bằng tranh thủ buổi sáng giải quyết mọi chuyện sớm, tránh để nó dây dưa lâu hơn.
…
Đêm qua, bà Trần trằn trọc không sao ngủ yên. Hết xoay người sang trái lại trở mình sang phải, trong lòng ngổn ngang trăm mối suy nghĩ. Chuyện hôm trước vẫn khiến bà bực tức, lại thêm việc con trai mãi không về khiến cơn giận càng dâng cao. C
àng chờ đợi, bà càng thấy khó chịu, đến khi Trân Trân chạy vào thông báo rằng Kha Nghị nhắn tin cho con bé bảo rằng ngày mai mới về thì cảm giác thất vọng xen lẫn tức giận trong lòng bà gần như đạt đến đỉnh điểm.
Sáng nay, vừa nhìn thấy Trần Kha Nghị xuất hiện ở cửa, bà khoanh tay trước ngực, khóe môi nhếch lên đầy vẻ mỉa mai: “Con còn về làm gì nữa?”
Trần Kha Nghị khẽ xoa thái dương, giọng điệu vẫn mang theo chút uể oải: “Hôm qua con hơi say, Khả Trân không nói với mẹ à?” Anh cố gắng giữ bình tĩnh, dù biết rõ có giải thích lúc này cũng chẳng thể làm nguôi ngoai cơn giận của bà.
Bà Trần lạnh lùng buông một chữ: “Có!”
Nói xong, bà quay người bước thẳng đến ghế sô pha rồi ngồi xuống, hai tay siết chặt trên đùi, gương mặt vẫn giữ nguyên vẻ nghiêm nghị. Cơn giận trong lòng bà chẳng hề nguôi ngoai, nhưng càng cố nén xuống, lại càng cảm thấy bức bối khó chịu. Không nói thì ấm ức, mà nói ra lại sợ bản thân không kiềm chế được cơn tức giận.
Trần Kha Nghị im lặng vài giây, rồi cũng chậm rãi đi đến, ngồi xuống ghế đối diện bà. Nhìn sắc mặt căng thẳng của mẹ, anh thở dài một hơi, cố gắng hòa hoãn bầu không khí: “Mẹ gọi con về gấp như vậy, có chuyện gì sao?” Giọng anh bình tĩnh nhưng vẫn mang theo chút dò xét, như thể đã lường trước có chuyện không hay sắp xảy ra.
Bà Trần thở dài, nhưng ánh mắt vẫn sắc bén như muốn xuyên thấu suy nghĩ của con trai: “Thôi thì một lần nói cho rõ, con coi lời mẹ là gió thoảng bên tai à? Mẹ đã nhắc bao nhiêu lần rồi, chuyện cưới xin là chuyện trọng đại cả đời, vậy mà con cứ thờ ơ, mãi chẳng chịu nghiêm túc suy nghĩ gì cả.”
Giọng bà trầm xuống, mang theo sự bất mãn lẫn thất vọng. Nhìn con trai lúc nào cũng ung dung, không chút lo lắng, cơn giận trong lòng bà càng bùng lên dữ dội.
Trần Kha Nghị khẽ thở dài đáp: “Con đã nghe theo mẹ đi xem mắt.”
Quả nhiên, anh đoán không sai. Mỗi lần về nhà, câu chuyện không sớm thì muộn cũng sẽ xoay quanh chủ đề này. Anh khẽ nhíu mày, cảm giác mệt mỏi càng thêm rõ rệt.
Khả Trân ngồi xuống cạnh bà Trần, dáng vẻ như đang xem kịch vui. Không những vậy còn sắp đến hồi gây cấn rồi. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, cô cảm thấy một chút lo lắng, tự hỏi không biết bao giờ thì mình sẽ phải ngồi đối diện với mẹ, trải qua cuộc đối thoại tương tự về chuyện hôn nhân như anh trai mình.
Bà Trần càng nói càng bức xúc, giọng điệu đầy trách móc: “Con còn dám nói nữa à? Hôm đó con chỉ đi cho có lệ, nghĩ mẹ không biết sao? Đừng có tưởng qua mặt được mẹ!”
Nhắc đến chuyện này, bà càng thêm tức giận. Không chỉ mất công sắp xếp, cuối cùng còn bị người ta gọi điện đến mắng vốn. Nhớ lại giọng điệu trách móc của đối phương, bà càng khó chịu hơn: “Họ nói con đường đường là giáo sư mà chẳng có chút lịch sự tối thiểu, lúc nào cũng tỏ ra cao ngạo, làm người ta khó chịu. Con nghĩ xem, mẹ nghe những lời đó mà không biết giấu mặt vào đâu!”
Cơn giận dồn nén khiến bà Trần siết chặt tay, nhưng dù thế nào thì bà vẫn phải bênh con trai. Lúc đó, bà cố giữ bình tĩnh, miễn cưỡng tìm lý do rồi cúp máy. Dẫu biết người ta cũng có phần nói quá, nhưng xét cho cùng, ít nhất 90% trong đó là sự thật. Nghĩ đến đây, bà lại càng không thể nuốt trôi cơn tức này.
“Do không hợp.” Trần Kha Nghị trả lời một cách thản nhiên, anh giữ vững lập trường của mình.
Bà Trần tất nhiên hiểu con trai mình. Cái tính cố chấp, lạnh lùng của nó thì chuyện đi xem mắt chẳng khác gì bị gượng ép, đi cho có lệ cả.Lần trước con trai bà chịu đi xem mắt đã là một kỳ tích, bà cũng không hy vọng nhiều.
Nhưng vấn đề không phải chuyện này: “Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Điều mẹ muốn nói là Vân Vân, sinh viên của con. Mẹ đã nhắc con bao nhiêu lần rồi, con phải nhanh chóng cưới con bé về. Con cứ chần chừ mãi, giờ người ta sắp lấy chồng đến nơi rồi, con còn định đợi đến bao giờ?”
Trần Kha Nghị nhếch môi, anh hoàn toàn không tin vào điều mẹ anh nói. Vân Vân ngày nào cũng bận rộn với công việc và bài tập do chính anh giao, đến thời gian nghỉ ngơi còn chẳng có, huống hồ là hẹn hò hay kết hôn. Chuyện này nghe quá vô lý.
Nhưng thái độ thản nhiên, đầy tự tin của Trần Kha Nghị chỉ khiến bà Trần tức đến mức không thở nổi. Cái tính hờ hững, lúc nào cũng dửng dưng này, bao nhiêu năm rồi vẫn không chịu sửa. Nước đã dâng đến chân mà con trai bà còn không chịu nhúc nhích.
Bà Trần thở mạnh đến nổi lồng ngực lên xuống phập phồng. Nhưng bà vẫn cố bình tĩnh để nói cho hết mọi chuyện.
“Hôm qua mẹ còn gặp mẹ nuôi của Kỳ Vân. Bà ấy nói đã coi con bé như con dâu nuôi từ bé. Mà con biết không? Con trai ruột của bà ấy cũng không hề thua kém gì con! Đẹp trai, trẻ trung, lại biết chiều chuộng Vân Vân, so với nó, con nhìn lại mình đi! Ba mươi tuổi rồi, có biết người ta gọi là gì không? Là già đấy!”
Bà Trần không nén nổi tiếng thở dài đầy bực dọc, trong lòng sốt ruột đến phát điên. Bà không tin con trai mình không hiểu chuyện, chỉ là nó cứ cố tình phớt lờ tình cảm của chính mình.
“Đừng tưởng mẹ không biết con có tình cảm với Vân Vân. Nhưng cứ cái đà này, con không nhanh tay thì sớm muộn gì người ta cũng cướp mất con bé.”
Truyện Kế hoạch theo đuổi giáo sư (Theo đuổi ngược) thuộc bản quyền của tác giả An Hi
- Website: https://byanhi.com/
- Fanpage: https://www.facebook.com/novelbyanhi
- Email: anhinovel@gmail.com